Loading
Menu top header

THÀNH VIÊN

ART DECOR

Những mẫu nhà nông thôn miền Trung được yêu thích nhất cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn

Tạp chí Kiến trúc - Xây dựng   25/09/2019


Cuộc thi thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Diễn đàn Mái đẹp nhà sang phối hợp tổ chức đã đi đến hồi kết với sự đồng tình về chuyên môn của HĐGK lẫn sự ủng hộ của bạn đọc. TCKT xin được chia sẻ những mẫu nhà nổi bật nhất vòng thi bình chọn cuộc thi của hạng mục nhà ở Miền Trung, mong rằng các thiết kế nổi bật trong cuộc thi sẽ chung tay tìm ra các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với từng vùng miền, ứng dụng các giải pháp xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, mà vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa địa phương.

Được phát động từ tháng 11/2018, Cuộc thi Thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” đã thực sự trở thành một sân chơi chuyên môn hữu ích, nơi giao lưu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của giới kiến trúc sư và cộng đồng.
Ngày 17/04/19, trong khuôn khổ Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VIII tại Vũng Tàu, Hội Đồng Giám khảo cuộc thi thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” đã có buổi làm việc để tìm ra 40 phương án xuất sắc nhất vào vòng chung kết cuộc thi. Theo báo cáo từ BTC, cuộc thi năm nay đã thu hút 184 bài dự thi đến từ 41 tỉnh, thành trên cả nước tham dự 4 hạng mục: Nhà ở miền Bắcnhà ở miền Trungnhà ở miền Đông Nam Bộ và nhà ở miền Tây Nam Bộ. Sau đó, qua hệ thống bình chọn đã chọn ra được Top 10 thiết kế do cộng đồng bình chọn và Top 10 thiết kế do HĐGK bình chọn và Giải thưởng thiết kế được yêu thích nhất.

TCKT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc các tác phẩm xuất sắc nhất miền Trung.

  1. MS: QB0608 – Bùi Xuân Hoà

“Vạn Đò House” là một mô hình nhà ở truyền thống , nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho ngư dân, và kiến tạo một khu tái định cư cho những ngư dân vạn chài được đoàn tụ với làng xã,và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống. Lấy ý tưởng từ hình ảnh người ngư dân đang đánh bắt cá bằng “rớ”, kết hợp với giải pháp xanh, tận dụng và sử lý nước mưa phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt. Giải pháp mà “Vạn Đò House” đưa ra đó là thiết lập một mô hình nhà ở truyền thống, đầy đủ chức năng cho một gia đình có ba thế hệ sinh sống. Cách bố trí mặt bằng dựa trên những nét chính của ngôi nhà nông thôn truyền thống. Kết hợp với những vật liệu mới nhằm giải quyết vấn đề ảnh hưởng của khí hậu đến công trình và đặc biệt là giảm thiểu chi phí giúp quá trình xây dựng dễ dàng thực hiện hơn.

2. MS: ND9298 – Trần Ngọc Đăng, Tạ Tuấn Anh

Từ xưa đến nay người dân tộc thiểu số Ê-đê luôn giữ nét đẹp văn hóa của mình sống trong những ngôi nhà sàn đơn sơ, vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh….những loại cây cỏ hiện diện trong rừng. Không có bất cứ một vật dụng nào bằng sắt thép hay những chất kết dính không mang tính tự nhiên. Phương tiện dùng để dựng nên căn nhà cũng rất đơn giản, chỉ với những chiếc rìu ( xagac). Người dân tộc đã tạo những kiểu cách riêng, do chính các kiến trúc sư vai trần chân đất, đóng khố của cộng đồng tự “ thiết kế”, tạo hình. Ý tưởng đưa ra là tạo ra một căn nhà sàn cho người dân tộc Ê-đê, giúp họ có một căn nhà sàn phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt, lao động một cách thuận tiện nhất, nhưng mang tính hiện đại bằng việc sử dụng vật liệu bê tông cốt thép, thép mạ Zacs, … và vẫn phải giữ nguyên những nét truyền thống, những nét văn hóa trong kiến trúc của người dân tộc Ê-đê.

3. MS: QD2711 – Ngô Đức Quý

Tổ chức công năng bên trong cho một gia đình 03 thế hệ với đầy đủ các không gian cần thiết, kế thừa ngôi nhà truyền thống của địa phương. Ở chính giữa sẽ là phòng khách và bàn thờ gia tiên, bên trái là phòng ngủ của bố mẹ, ông bà. Bên phải là phòng ngủ con cái và bếp ăn, trong bếp có cầu thang dẫn lên gác lửng. Hệ thống nhà vệ sinh tích hợp trong nhà cho tiện sinh hoạt. Hàng hiên có mái che phía trước làm dịu mát ngôi nhà, vừa là nơi phơi phóng nông sản mùa hè, vừa là nơi tránh lũ lụt mùa mưa.

4. MS: HT1258 – Nguyễn Huy Tịnh


Căn cứ vào mặt bằng quỹ đất hiện có kết hợp yêu cầu, nhu cầu sinh hoạt truyền thống của vùng dân đưa ra giải pháp thiết kế kiến trúc. Khối nhà truyền thống một tầng là khối sinh hoạt đa chức năng như: Thờ tự, tiếp khách và nơi ngủ. Khối 2 tầng kết hợp không gian chống nóng và làm kho dùng cho sinh hoạt thường ngày và đặc biệt là mùa mưa ngập lũ đó là nơi tạm trú cho người và vật nuôi, tài sản của cải lương thực thực phẩm, rơm rạ…

5. MS: BM1516 – Nguyễn Đức Trí

Vì điều kiện khí hậu có nhiều điểm đặc biệt như gió to, nắng nóng quanh năm kèm theo muối mặn trong không khí nên giải pháp thiết kế nhà của ngư dân nơi đây cũng có nhiều điều đặc trưng thú vị. Nhà làm bạn với cây “Dừa” và được xây lùi về sau khu đất, hàng rào được trồng cây hoặc lưới lọc. Hiên nhà phía trước lời nơi tụ họp cùng bà con xóm giềng cùng “Trang thờ” cầu mong mưa thuận gió hòa. Tất cả đều nhằm giải quyết sự bất lợi của khí hậu địa phương để chất lượng cuộc sống được tốt hơn đi kèm văn hóa tín ngưỡng địa phương của vùng biển.

Tin liên quan

x