Loading
Menu top header

THÀNH VIÊN

ART DECOR

Agrinestune Tổ khuyến nông (by H&P Architects)

Tạp chí Kiến trúc - Xây dựng   25/09/2019


Theo phác thảo ý tưởng của H&P, AgriNesture như một khối đất được xắn ra từ đồng ruộng. Nhưng cũng có thể là được lấy từ chính khu mỏ than ở Mạo Khê để trở thành ngôi nhà của người thợ lò.

Ngôi nhà 2 tầng này nằm trong khu dân cư kiểu làng xóm ven đô ở thị trấn Mạo Khê. Chủ nhà là con trai cả trong một gia đình đã 3 đời gắn với mỏ than, bản thân cũng là thợ lò nhưng vừa phải nghỉ việc vì mất sức lao động. Do mặc cảm về hoàn cảnh nên anh này ngại, ít giao tiếp XH, chỉ quanh quẩn ở nhà làm bạn với cây cảnh và mấy con chó, con gà. Ngôi nhà cấp 4 kiểu nông thôn những năm 1970- (lợp fibrocement, WC & bếp tách rời) của ông bà để lại đã cũ nát – nên các em góp tiền để làm nhà mới cho anh. Và H&P được mời thiết kế vì đã có một công trình được ưa thích ở Mạo Khê (BE Friendly Space).

Nhiệm vụ đặt ra cho H&P là rất cơ bản và không có gì đặc biệt: tiện dụng (cho sinh hoạt & thờ cúng gia tiên), thoáng & mát (vì quay ra hướng Đông – Tây), và không quá tốn kém. Những yêu cầu này rất thông dụng và có phần đơn giản (vì chủ nhà đã 40 tuổi nhưng vẫn độc thân) – nên có lẽ H&P đã tận dụng cơ hội để thử nghiệm những cái không bình thường. Có lẽ cũng vì những cái khác thường ấy mà công trình này được chú ý khi đăng tải trên Archdaily.com – và mới đây đã được trao giải thưởng Kiến trúc 2018.

Trước hết đó là một hình thức bên ngoài lạ mắt & đơn giản đến trơ trụi: hình khối lập phương (7m x 7m x 7m), tường gạch không trát, không ô văng, mái vẩy, không logia,z ban công, không có chi tiết. Thứ hai là một cấu trúc không gian biểu hiện tính hướng nội có phần cực đoan: kết cấu và tường bao được làm cố định ngay từ đầu, nhưng sàn tầng 2 có nhiều khoảng trống mà sau này có thể lấp đầy để cho phép phát triển thêm vào trong. Thứ nữa là cách tổ chức giao thông “không giống ai”: cầu thang chính thì kín đáo nhưng mở ra bên ngoài để mọi người có thể lên thẳng phòng thờ ở tầng 2, còn bên trong nhà lại có thêm thang sắt bám tường để “chui” lên từ bếp.

Các hiệu ứng về vi khí hậu ít nhiều đã được khẳng định và được điều chỉnh trong hơn 1 năm sử dụng – trải qua cả mùa đông giá rét, mùa xuân ẩm ướt, mùa hè nắng gắt và mưa bão. Tường gạch 2 lớp có khoảng rỗng cách nhiệt nên mùa hè mát mà mùa đông ấm. Những cửa sổ được dự trù trước ở các mặt nhà với vị trí và kích thước khác nhau nên trong nhà được chiếu sáng và thông gió tốt. Tường gạch để mộc, trần bê tông thô không lăn sơn, quét vôi, không che giấu những khiếm khuyết của phần xây – nên những đồ đạc cũ vẫn được tiếp tục sử dụng trong ngôi nhà mới mà không bị lạc điệu, không tương thích. Sở thích và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người ở đã được quan tâm đáp ứng: cây xanh được bố trí ở các khoảng thông tầng (vì thế mà có các cửa lấy sáng từ trên mái); mái nhà được thiết kế để trồng cây – sau đó chuyển sang trồng rau (vì cây cảnh phải chăm sóc thường xuyên, còn vườn rau ở mặt đất lại hay bị gà phá). Nhưng quan trọng hơn cả là người ở đã nhanh chóng thích ứng với ngôi nhà này, tìm thấy sự hứng thú và đồng điệu để sống cùng với nó, vượt qua những mặc cảm và ngần ngại để tự thân bắt đầu một cuộc sống mới ở tuổi 40 – như câu cách ngôn của phương Tây: “Life starts at 40” (còn phương Đông thì “Tứ thập nhi bất hoặc”).

Khi được gợi chuyện, anh hào hứng kể rằng mỗi ngày mình vận động lên gác xuống nhà hàng chục lần bằng những cách khác nhau, theo những lối khác nhau – “nhưng so với trong mỏ thì ăn thua gì”. Tôi chợt hiểu – vì anh đã quá quen thuộc với những xỉ, than, bùn, đất,.. rồi nên chính cái thô mộc làm cho ngôi nhà trở thành gần gũi. Và những yêu cầu về sự thoáng mát và sáng sủa không chỉ là tiện nghi để hưởng thụ mà còn là những ấn tượng và cảm giác đã ăn sâu vào tiềm thức của người thợ mỏ – là cái mà họ cần nhất trong những ngách lò chật chội và bức bối, là dấu hiệu của sự sống mà họ khát khao cảm nhận những lúc hết ca ra khỏi hầm lò, là động lực giúp họ vượt qua một ngày làm việc vất vả và nguy hiểm,.. Tức là dù đã nghỉ làm nhưng anh không rời bỏ cái chất thợ mỏ đã ăn sâu vào ký ức, mà vẫn sống với nó bằng thói quen, bằng bản năng. Cho nên kiến trúc mà phù hợp với những yếu tố ấy thì sẽ giúp cho con người khỏe hơn cả về thể chất và tinh thần. Ngôi nhà ở Mạo Khê – dù ngẫu nhiên hay có chủ ý – cũng đã làm được như vậy. Và nó cho thấy một chân lý: nếu kiến trúc mà xuất phát từ trái tim – thì sẽ được đón nhận bằng trái tim.

Nhưng cái lớn hơn nữa mà H&P muốn thử nghiệm ở đây là khả năng sử dụng nó như một module được điển hình hóa & đơn giản hóa về kết cấu (với giá thành ~6.500 USD), nhưng đa dạng hóa và linh hoạt hóa về không gian và hình thức kiến trúc (tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi gia đình). “AgriNesture” / “Tổ khuyến nông” không phải là cái tên riêng của ngôi nhà cụ thể này – mà là ý tưởng tái phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở những module nhà ở chỉ chiếm ít đất – nhưng có tính bền vững vì không cần mở rộng ra xung quanh và có thể canh tác tại chỗ để trả lại diện tích xanh trên mái.

Để module này có thể ứng dụng được rộng rãi và thực sự hiệu quả trong thực tiễn, thiết nghĩ H&P còn phải giải quyết thêm một số vấn đề về kiến trúc. Đó là, giảm thiểu các cửa trời để tối đa hóa diện tích vườn trên mái; làm sao cho các bức tường double skin có thể “thở” được; che nắng và chống mưa hắt vào cửa sổ; nhiệt đới hóa một số chi tiết vàcấu tạo,.. và cho thấy là có khả năng đáp ứng được nhu cầu tổ chức cuộc sống của các gia đình 2-3 thế hệ (mà chắc chắn là phức tạp hơn rất nhiều so với nguyên mẫu). Việc nhân rộng các module điển hình 7m x 7m cũng cần thích ứng tối đa với hiện trạng về sở hữu và sử dụng đất, làm sao vẫn đảm bảo có những khoảng sân của quyền lợi riêng và chia sẻ nhiều không gian cho lợi ích chung. Ở Mạo Khê, H&P đã đề xuất một cụm 3 khối nhà khác nhau cho 3 anh em, nhưng mới chỉ thực hiện được 1/3 (vì 2 người em đã có gia đình và có chỗ ở ổn định nên chưa có nhu cầu xây nhà mới).

Cuối cùng, là vài suy nghĩ về cái tên. Gọi ngôi nhà của một người độc thân là “tổ ấm”, hay chỉ nhìn vào 50 m2 vườn rau trên mái để gọi là “khuyến nông” thì rất lãng mạn nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Phải là nhiều ngôi nhà như thế họp thành những thôn xóm kiểu mới – tuy mật độ cao nhưng không bị dồn nén mà vẫn đảm bảo môi trường thoáng mát; tuy thống nhất mà vẫn đa dạng để không trở thành những “làng chia lô” như đô thị; vừa hạn chế việc chiếm đất để xây dựng vừa bảo lưu quỹ đất canh tác cho sản xuất nông nghiệp, lại tận dụng không gian mái để phục vụ nhu cầu riêng của mỗi gia đình. Nếu cần một cái tên tiếng Anh ngắn gọn mà bao hàm được ý tưởng này – thì cá nhân tôi nghĩ với mô hình tổng quát nên dùng “Agritecture” (là sự kết hợp Agriculture + Architecture) sẽ chính xác hơn; còn với các module đơn vị có thể gọi là CUBE (viết tắt của Cultivative Units Beyond the Envelope) sẽ thích hợp hơn cả về hình khối và ý nghĩa.


Nguyễn Trí Thành

Tin liên quan

x